25 năm qua, công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX có nhiều thay đổi từ quy trình quản lý, chương trình học đến hạ tầng cơ sở…
Nhiều bất cập sau chuyển giao
Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, năm 1995, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp GPLX được chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ GTVT.
Thời điểm ấy, ngành GTVT tiếp nhận quản lý 127 cơ sở đào tạo lái xe ô tô thuộc hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mô hình cũ, với hệ thống cơ sở vật chất rất thiếu thốn (phòng học thiếu, xưởng/bãi tập xe/trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu, chất lượng thấp; đội ngũ giáo viên mỏng, chưa có điều kiện tiếp cận kiến thức mới; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn) được duy trì từ nguồn ngân sách hạn chế.
Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo còn thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Giáo án giảng dạy, hồ sơ sổ sách không ghi chép đầy đủ, không phản ánh trung thực quá trình đào tạo. Việc quản lý học sinh chưa chặt chẽ để tình trạng một số người không học đầy đủ vẫn có chứng chỉ nghề.
“Năm 1995, quá trình sát hạch cũng còn lạc hậu, việc sát hạch lý thuyết được thực hiện bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy với bộ đề 150 câu hỏi được soạn sẵn. Phần sát hạch thực hành lái xe chưa có khu vực sát hạch độc lập, phải thực hiện trên sân tập lái của cơ sở đào tạo. Việc chấm điểm bằng phương pháp thủ công, sát hạch viên quan sát trực tiếp và chấm điểm cho thí sinh.
Tại thời điểm chuyển giao, ngành Công an đã cấp hơn 604.000 GPLX mô tô và hơn 342.500 GPLX ô tô. Các sở GTVT sử dụng phôi ấn chỉ (bằng giấy bìa, dễ bị hỏng, tẩy xóa) GPLX do Tổng cục Đường bộ VN cung cấp, trực tiếp in, cấp GPLX cho người trúng tuyển và cấp, đổi GPLX cho người lái xe. Dữ liệu GPLX được quản lý phân tán tại các sở GTVT”, Vụ ATGT cho biết.
Chất lượng chương trình đào tạo tiệm cận quy chuẩn thế giới
Cũng theo Vụ ATGT, từ những hạn chế của giai đoạn đầu tiếp nhận, những năm qua, ngành GTVT liên tục đổi mới công tác quản lý và tổ chức đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
Trong đó, về hệ thống phòng học chuyên môn, Bộ GTVT đã quy định cụ thể số lượng, diện tích, cách bố trí, trang thiết bị, mô hình học cụ hiện đại; Đồng thời quy định cụ thể về số lượng, kiểu loại, tiêu chuẩn, chất lượng, hình thức của xe tập lái để kiểm tra cấp giấy phép và phân biệt xe của các cơ sở đào tạo.
“
Thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, từ 2010 Bộ GTVT đã nghiên cứu triển khai các dự án đổi mới quản lý GPLX, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc. GPLX mới sử dụng bằng vật liệu PET (có độ bền cao, theo thông lệ quốc tế; an toàn, bảo mật 3 cấp độ), làm nền tảng để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe trong cả nước từ quý IV/2015.
”
Hiện nay, cả nước có hơn 15.400 xe tập lái các hạng, phần lớn là xe ô tô thế hệ mới. Sân tập lái được quy định tăng thêm diện tích với các yêu cầu kỹ thuật cụ thể như: mặt sân phải được thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ các tình huống tương tự các tình huống trong trung tâm sát hạch.
“Giáo trình đào tạo đã được thay đổi từ việc kế thừa, chắt lọc nội dung cơ bản 5 môn học chính: Cấu tạo ô tô; Luật Giao thông đường bộ; Sửa chữa thông thường ô tô; Nghiệp vụ vận tải; Kỹ thuật lái xe ô tô. Qua 4 lần biên soạn (Bộ 300 câu hỏi năm 2005, 405 câu hỏi năm 2009, 450 câu hỏi năm 2012, 600 câu hỏi từ ngày 1/8/2020), giáo trình mới chú trọng vào việc cập nhật kiến thức mới về hệ thống văn bản QPPL, phương tiện, hệ thống báo hiệu đường bộ, đặc biệt là đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông và bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế mới. Có thể khẳng định, giáo trình đào tạo năm 2020 đã tiệm cận với quy chuẩn chung của Thế giới”, đại diện Vụ ATGT nói.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, đến nay cả nước đã có 333 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và máy kéo đến 1.000 kg (tăng trưởng 627% về số lượng cơ sở đào tạo) thuộc các bộ, ngành và địa phương.
Về sát hạch lái xe, nếu như trước năm 1995, tiêu chuẩn về hạ tầng cơ sở, quy trình sát hạch gần như không có, đến nay, Bộ GTVT đã xây dựng những quy chuẩn cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.
Cụ thể, trung tâm sát hạch lái xe phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như: phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, sân sát hạch, xe sát hạch, được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lý thuyết và thực hành, hệ thống loa, màn hình tại phòng chờ để công khai quá trình và kết quả sát hạch từng khâu,…
Đến nay, cả nước đã có 133 trung tâm sát hạch lái xe, gồm 45 trung tâm loại 1 (sát hạch từ hạng mô tô A1 đến xe kéo rơmooc hạng F), 88 trung tâm loại 2 (sát hạch từ mô tô hạng A1 đến xe tải hạng C) do các cơ quan, tổ chức và các thành phần kinh tế xây dựng.
“Tự động hóa” công tác sát hạch
Vụ ATGT cho rằng, những thay đổi cơ bản trong sát hạch, đào tạo cấp GPLX là hiện nay là việc tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường đều được chấm điểm tự động.
Công tác sát hạch lý thuyết, từ việc sát hạch trắc nghiệm trên giấy, đến nay đã có phần mềm sát hạch trên máy vi tính với các đề sát hạch ngẫu nhiên lấy trong ngân hàng dữ liệu. Phòng sát hạch lý thuyết có gắn các camera lưu trữ dữ liệu và truyền ra màn hình trong phòng hội đồng và phòng chờ.
Với sát hạch thực hành lái xe trong hình, thí sinh tự điều khiển ô tô qua các bài sát hạch trong sân, thiết bị tự động chấm điểm, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch và biên bản tổng hợp được in ra từ máy tính. Trong quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch, các lỗi vi phạm và kết quả sát hạch của thí sinh được công khai trên loa phóng thanh, loa trong ô tô sát hạch và màn hình hiển thị trong phòng chờ để thí sinh và người dân giám sát.
Từ năm 2016, việc sát hạch lái xe trên đường cũng đã sử dụng thiết bị tự động chấm điểm sát hạch lái xe trên đường, trực tiếp thông báo kết quả trên ô tô sát hạch và lưu trữ trên máy tính.
Để nâng cao tính công khai, minh bạch, chống các biểu hiện tiêu cực, từ ngày 20/10/2019, Bộ GTVT đã chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh về các cơ quan liên quan để giám sát trực tiếp công tác sát hạch.
Việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động và tổ chức giám sát các kỳ sát hạch và thực hiện công khai minh bạch, chất lượng sát hạch nâng lên rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp. Hiện nay, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe chỉ khoảng 65%.
“Dù số lượng phương tiện cơ giới đường bộ đã tăng gần 17 lần (năm 1995 là hơn 3,9 triệu phương tiện; năm 2019 là hơn 66 triệu phương tiện), tăng trưởng dân số giai đoạn 1995-2019 là 33,6% (từ gần 72 triệu người năm 1995 lên hơn 96,2 triệu người năm 2019) nhưng số người chết do TNGT trên 100.000 GPLX giảm hơn 44 lần (năm 1995 là 661 người, năm 2019 còn dưới 15 người); trên 10.000 phương tiện đường bộ giảm hơn 12 lần (năm 1995 là 13,9 người, năm 2020 là 1,29 người)”, đại diện Vụ ATGT thông tin.
Năm 2020, Bộ GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô.
Trong năm 2021, Bộ GTVT yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường, bổ sung nội dung học lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng.
Đối với công tác sát hạch, năm 2021 sẽ bổ sung nội dung sát hạch “Xử lý các tình huống giao thông trên phầm mềm mô phỏng
Đối với công tác quản lý GPLX, Bộ GTVT đang đề xuất xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu quốc gia về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; Thí điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đổi GPLX quốc gia ở Hà Nội và Hà Nam trong quý 2/2020 và thực hiện trên toàn quốc năm 2020 khi có dữ liệu kết nối của ngành y tế và công an.
Theo baogiaothong.vn
Xem thêm:Vì sao quy định thu phí toàn bộ cao tốc?,Từ ngày 5/8, CSGT được dừng xe trong những trường hợp nào?