Đổ đèo xuống dốc không chỉ áp dụng kỹ năng lái, thao tác linh hoạt mà còn phải am hiểu cả địa lý.
Lái xe ở đường dốc cần rất nhiều kĩ thuật, mà đôi khi chúng ta không quan tâm, hoặc làm sai, gây nguy cơ hỏng xe hoặc gây nguy hiểm tính mạng cho chính mình.
Sau đây là một số lỗi khi lái xe đổ dốc và cách khắc phục cũng như cách lái an toàn khi gặp đoạn đường dốc.
Xem thêm: Đào tạo sát hạch GPLX thay đổi thế nào sau 25 năm chuyển về Bộ GTVT, Vì sao thu phí toàn bộ cao tốc
Tuân thủ đúng luật giao thông và các biển báo
Vì lý do an toàn, các đoạn đèo dốc luôn có một hệ thống biển báo, gương lồi san sát nhau. Đi đúng tốc độ cho phép, tuân thủ các biển báo, xem xét đánh giá tầm nhìn, khoảng trống, tốc độ khi muốn vượt xe trước. Xi nhan để xin vượt xe. Lúc lái xe nên giữ cho tâm lý ổn định vì những cảm xúc nhất thời có thể ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng phán đoán, khả năng xử lý của người lái xe.
Giữ tốc độ hợp lý
Nếu bạn đi đường đèo theo đoàn, thấy xe đằng trước lao vun vút với những pha ôm cua ngọt lịm, nên nhớ rằng họ có kỹ năng tốt và kinh nghiệm đổ đèo dày dặn, vì vậy không nên lao theo với tốc độ đó, chỉ cần 1 pha xử lý lỗi là có thể xảy ra nguy hiểm đến tính mạng
Hãy đi với tốc độ mà mình cảm thấy an toàn, có thể xử lý vào cua được, giảm tốc nếu thấy có cảm giác chiếc xe lao hơi nhanh.
Tốc độ khi đổ đèo hợp lý nhất là tốc độ mà tài xế có thể làm chủ mà ít phải dùng phanh nhất, lúc đó xe sẽ xuống dốc bằng ga và dựa vào quán tính của xe là chính.
Luôn đi đúng làn đường của mình khi chạy xe đường đèo. Đặc biệt tránh cắt cua ở những nơi có vạch kẻ liền, đây là những góc cua khuất tầm nhìn và rất dễ xảy ra tai nạn.
Kỹ thuật phanh
Trên cung đường đèo dốc thì phanh xe lại càng có vai trò quan trọng hơn. Trước mỗi chuyến đi, hãy dành thời gian kiểm tra lại hệ thống phanh của xe như đai an toàn, má phanh, những bộ phận hỗ trợ giảm tốc, dầu trợ lực lái.
Tuyệt đối không được rà phanh liên tục. Sử dụng các hệ thống khác của xe để điều khiển xe giảm tốc độ. Khi rà phanh liên tục và nhiều, má phanh bị ma sát, hệ thống phanh nóng lên, dầu phanh sôi lên gây ra nhiều nguy hiểm cho xe và người lái xe.
Kết hợp phanh cơ và phanh bằng hộp số
Đây là một trong những kỹ thuật đã được nhiều lái xe kinh nghiệm truyền lại. Nhiều xe đời mới trang bị hệ thống số tự động thay vì số sàn, nhưng cả hai loại xe đều được hỗ trợ chức năng phanh động cơ khi xuống dốc. Chính vì thế, khi đi những đoạn đường đèo dốc dài, lái xe không nên để số cao nhất, và kết hợp sử dụng phanh cơ.
Xe số tự động tuyệt đối không được để số N vì xe sẽ bị trôi.
Sử dụng số hợp lý
Nên cho xe chạy số thấp, không được phanh gấp, thả trôi xe hay thay đổi tốc độ đột ngột. Khi xe số tự động xảy ra hiện tượng trôi xe, ngay lập tức đệm phanh, đồng thời gạt cần số lần lượt xuống số cấp thấp hơn.
Đối với xe số sàn, trước khi đến đoạn đèo dốc, tùy vào điều kiện đường đi và thời tiết, hãy vào số thích hợp. Cắt côn khi phanh bằng hộp số bằng thao tác thật nhanh để côn không bị ngắt quãng quá lâu.
Luôn đi bám vào phần đường bên phải
Khi xe xuống dốc khúc quanh (dốc cua “tay áo”): xe luôn đi bám vào phần đường bên phải của mình, chớ chạy nhanh để hạn chế lực ly tâm đẩy ra làm lật xe hoặc xử lý phanh không kịp thời dẫn đến sự cố phóng xe xuống vực.
Nên kiểm tra xe trước khi đổ đèo, để chắc chắn nó ở trong trạng thái tốt nhất và an toàn nhất. Hãy bảo dưỡng xe đúng thời hạn để có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống má phanh hay lốp xe của bạn, sửa chữa và thay thế kịp thời những nơi hỏng hóc. Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn của lốp xe, nước làm mát, hệ thống đèn trên xe… trước khi lên đường.
Sai lầm “chết người” khi lái xe đổ đèo, xuống dốc
Chạy xe theo quán tính
Lỗi này thường gặp ở hầu hết các xe có tải trọng nặng, và hay phải xuống dốc nhiều, đặc biệt là với những bác tài vừa vào nghề chưa có kinh nghiệm lái. Có nghĩa là, khi xe trở càng nặng, trọng lượng càng cao, tốc độ càng nhanh, quán tính của xe sẽ càng lớn. Lúc này, bạn chạy số càng cao xe sẽ chạy càng nhanh. Một số bác tài mới vào nghề không hiểu rõ được quán tính này của xe, nên cài số cao, khi thấy xe chạy nhanh, dẫn tới hoảng, rất dễ gây ra nguy hiểm cho bản thân cũng như những người ngồi trên xe.
Phanh quá nhiều
Tâm lý các bác tài mới phải đi những cung đường dài, có nhiều dốc, nhiều đèo. Theo quán tính, khi xuống dốc nhanh, tất yếu sẽ phanh, phanh nhiều dẫn đến má phanh nóng. Khi này má phanh sẽ cháy và làm mất tác dụng của phanh. Tưởng phanh nhiều là an toàn, ai ngờ đây lại là một mối nguy hiểm gây nguy hiểm cho mình.
Má phanh lâu không thay
Khi lái xe xuống dốc, đổ đèo má phanh có vai trò rất quan trọng trong việc giữ an toàn cho bạn cũng như hàng hóa có trên xe. Nhưng vì một lý do nào đó, lâu ngày bạn quên không thay má phanh, hoặc bạn có thay nhưng tại những ga ra không uy tín, họ lắp cho bạn má phanh kém chất lượng, hay má phanh dán bị lỗi. Đến khi vận hành, có tình huống bất ngờ xảy ra phanh gấp, dẫn đến tình trạng bong cả má phanh gây nguy hiểm cho bạn cũng như những người trên xe.
Vào cua không giảm tốc độ
Khi xe chuẩn bị vào cua, nên giảm tốc độ, khi bắt đầu vào cua thay vì quay vô lăng một cách nhẹ nhàng, từ từ, bạn lại quay vô lăng nhanh, đi với tốc độ cao, làm đuôi xe bị lắc khi vào cua. Nên dẫn đến một số tình huống gây nguy hiểm.
Thay đổi tốc độ đột ngột khi xuống dốc, đổ đèo
Anh Phan T. Tiến (kỹ sư – Hà Nội) tâm sự về lần lái xe đưa cả nhà đi du lịch Sa Pa vừa qua: “Theo thói quen của mình khi xe vừa hết con dốc, mình đã tăng tốc đột ngột vì nghĩ rằng khi xuống dốc rồi sẽ chuẩn bị lên một con dốc mới”. Tuy nhiên phán đoán đó của anh hoàn toàn sai với thực tế, đoạn đường đó khi xuống một con dốc nhỏ, lại tiếp tục xuống một con dốc tiếp theo, “cũng may là mình đã xử lý kịp thời nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra”. Anh vừa cười vừa nói về lần thoát nạn đầy ngoạn mục của mình.
Nguồn: Tổng hợp